Trang tin của Viện Y Dược Việt

Trang tin của Viện Y Dược Việt

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VỀ DƯỢC LIỆU & SẢN PHẨM TỪ DƯỢC LIỆU ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM

(15-17/4/2024) – Viện Y Dược Việt (VIMP) đồng hành cùng Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu tại Việt Nam (MPNP2024) – ICISE, Quy Nhơn, Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 80% dân số toàn cầu sử dụng dược liệu để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Xu hướng quan tâm đến việc sử dụng dược liệu và các hợp chất tự nhiên ngày càng tăng và điều này giúp thúc đẩy đổi mới y tế theo hướng duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu.

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, thuộc vùng nhiệt đới với những đặc điểm khí hậu, địa lý khác nhau ở nhiều vùng, có điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển cây dược liệu.

Trong số 12.000 loài thực vật ở Việt Nam, có khoảng 4.000 loài đã được sử dụng làm dược liệu trong lĩnh vực y học cổ truyền. Vì vậy, Việt Nam được xem là một trong 15 quốc gia trên thế giới có tên trong bản đồ cây dược liệu vì có nguồn gốc động thực vật đa dạng với nhiều cây thuốc đặc trị, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. So với thế giới, Việt Nam là một trong những nước có mức độ đa dạng sinh học thực vật cao, cùng với tri thức bản địa của 54 dân tộc anh em, chúng ta có thể khai thác và nâng cao giá trị cây dược liệu, góp phần đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và Quốc tế.

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và sự suy giảm các hệ sinh thái do phát triển không bền vững tạo ra nhiều thách thức và đòi hỏi những cách tiếp cận khoa học hơn cho việc phát triển cây dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam.

Hội nghị nhằm mục đích cung cấp một nền tảng liên ngành cho tất cả các đại biểu trình bày kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những đổi mới, xu hướng và mối quan tâm gần đây nhất; cũng như những thách thức thực tế gặp phải; các giải pháp được áp dụng trong lĩnh vực sinh học cây dược liệu và đổi mới tiên tiến trong tự nhiên. Sự kiện này cũng là cơ hội để tất cả các đại biểu duy trì mạng lưới hợp tác đa ngành hiện có và khởi tạo các mạng lưới hợp tác đa ngành mới.

Các phiên chính:

  • Thực vật học cây dược liệu;
  • Đánh giá, phát triển, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cây dược liệu;
  • Bộ gen và sinh học tiến hóa của cây dược liệu;
  • Sinh tổng hợp và điều hòa các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học chuyên biệt;
  • Khám phá và kỹ thuật hóa học thực vật cho sức khỏe thực vật và con người;
  • Tương tác thực vật – vi khuẩn và thực vật – môi trường;
  • Lên men và nuôi cấy tế bào thực vật;
  • Những tiến bộ trong việc khám phá các sản phẩm từ cây dược liệu;
  • Các chất chuyển hóa thứ cấp của vi sinh vật (kháng sinh và độc tố nấm mốc);
  • Các hợp chất có hoạt tính sinh lý từ thực vật và động vật trên cạn và dưới biển;
  • Chiết xuất, phân lập, làm sáng tỏ cấu trúc và tổng hợp hóa học các hợp chất mới từ thiên nhiên;
  • Hoạt tính sinh học của các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên;
  • Sinh lý, hóa sinh, sinh học tế bào liên quan đến bào chế dược liệu theo y học cổ truyền;
  • Thực phẩm từ dược liệu;
  • Trồng trọt, sản xuất và ứng dụng cây dược liệu và các hợp chất có hoạt tính sinh học của chúng;
  • Kỹ thuật xử lý mới cho các hợp chất hoạt tính sinh học;
  • Kiểm soát chất lượng sản phẩm từ cây dược liệu;
  • Thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung;
  • Dược phẩm;
  • Sản phẩm làm đẹp;
  • Phát triển chuỗi cây dược liệu bền vững;
  • Độc tính của các hợp chất và sản phẩm từ cây dược liệu.

 

.VIMP.

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
In