Trang tin của Viện Y Dược Việt

BỆNH TRĨ – NỖI ĐAU KHÓ NÓI

Sưng, đau, có khối lòi (hoặc sa) ra hậu môn, chảy máu khi đi cầu… là những triệu chứng vô cùng khó chịu của bệnh trĩ.

Có bệnh nhân kể với bác sĩ (BS), cô ấy đã gắn liền với những khó chịu đó nhiều năm liền. Mỗi lần đi cầu, khối trĩ lòi ra, lúc đầu khi đi xong nó tự rút lên, nhưng dần dần nó không tự lên được nữa, mà cô phải dùng tay đẩy khối trĩ vào; có lúc chảy máu có lúc không, khi chảy máu thì ra máu tươi, máu quấn quanh khối phân, có lúc máu nhỏ giọt từ hậu môn ra. Sau khi BS hỏi triệu chứng và khám lâm sàng và cận lâm sàng với mục đích loại bỏ các bệnh nguy hiểm có thể đi kèm (ví dụ khối u trực tràng đi kèm với trĩ, khối u tử cung hoặc buồng trứng xuất huyết cùng với sa khối trĩ) hay đang ở giai đoạn kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt đi kèm trĩ sa ra; thì BS đi đến kết luận cô bị trĩ nội sa ra ngoài.

Trên đây là một tình huống bệnh trĩ. Vậy, có bao nhiêu loại trĩ, và triệu chứng điển hình của bệnh này như thế nào? Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh?

Về cơ bản, trĩ có: trĩ nội & trĩ ngoại.

Trĩ ngoại là khối nằm hẳn ở ngoài hậu môn, không phụ thuộc vào việc đi cầu và các áp lực đẩy khối trĩ từ bụng. Trĩ này tùy theo kích thước lớn – nhỏ mà có làm cho người bệnh khó chịu hay không. Nó chỉ thực sự gây khó chịu khi bị viêm nhiễm, hoặc có yếu tố gây tắc mạch máu nuôi khối trĩ đó, gây thiếu máu tại chỗ, hoại tử dẫn đến sưng, đau.

Trĩ nội là một đám rối tĩnh mạch nằm trong ống hậu môn, được giữ chắc chắn bởi nhóm mô sợi cơ đàn hồi ở hậu môn. Bình thường, những mô sợi cơ này vững chắc, và khối trĩ không thể lọt ra ngoài được. Khi lớn tuổi các mô sợi cơ này đàn hồi kém, hoặc có một áp lực lớn trong bụng đẩy xuống (ví dụ ở phụ nữ có thai, bệnh nhân béo phì, hoặc bệnh nhân có bệnh lý gan có trướng bụng – đầy dịch trong bụng) hoặc bệnh nhân thường xuyên bị táo bón, mỗi lần đi cầu phải dùng sức rặn nhiều thì chính áp lực đó đẩy khối tĩnh mạch trĩ xuống.

Quý vị có biết, những yếu tố nào tạo thuận lợi cho bệnh trĩ xuất hiện?

Những người táo bón kinh niên; bệnh nhân ho nhiều, rặn nhiều; người đứng lâu, ngồi nhiều; phụ nữ có thai; hoặc người có khối u ở hậu môn, trực tràng, u buồng trứng, tử cung to có gây chèn ép, tăng áp lực trong ổ bụng, bệnh nhân béo phì… thường là đối tượng hay mắc bệnh này.

Bệnh nhân có thể có khối trĩ lòi ra ngoài, hoặc máu bắn thành tia, thành giọt, hoặc máu bao quanh khối phân khi đi cầu (đối với trĩ nội) hay đau, ngứa, nóng hậu môn, rỉ máu… (đối với trĩ ngoại).

PHÂN ĐỘ TRĨ NỘI

Để điều trị bệnh trĩ, bản thân người bệnh phải thay đổi lối sống: giảm lao động nặng, tăng tập thể dục, đi bộ nhanh (hạn chế lối sống tĩnh tại); giảm cân (nếu có thừa cân – béo phì); ăn nhiều chất xơ, uống 2 – 2,5 lít nước/ ngày); hạn chế uống bia – rượu, ăn ớt… Ngoài ra nếu khối trĩ ngoại hoặc trĩ nội sa ra có dấu hiệu sưng, đau nên sát trùng kĩ, tránh nhiễm trùng làm nặng nề thêm bệnh lý.

Khi có những dấu hiệu của trĩ, bạn hãy đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, cũng như làm một số xét nghiệm nhằm loại trừ các bệnh lý nguy hiểm và điều trị đúng để loại bỏ sớm nhất nỗi đau khó nói này.

.VIMP.

Bài viết liên quan: Case lâm sàng bệnh trĩ.

Facebook
Twitter
LinkedIn
In

Những bài viết khác